Xoài (Mangifera indica L.) là cây ăn trái có thế mạnh thứ hai sau cây lúa , đặc biệt, xoài Cát Hòa Lộc và Cát Chu là 2 giống xoài đặc sản có giá trị kinh tế cao .
Trước đây, theo phương pháp quãng canh, xoài chỉ ra hoa theo mùa; thời điểm thu hoạch rộ vào mùa thuận từ tháng 3-6 dl giá rất rẻ; ngược lại, vào mùa nghịch thu hoạch từ tháng 7-2 dl năm sau, giá bán rất cao. Từ đó, với việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, người làm vườn đã thành công trong sản xuất xoài mùa nghịch nhằm thu được lợi nhuận cao và hệ quả là nhiều loại dịch hại nghiêm trọng có nguy cơ bùng phát mạnh như: bệnh thán thư (Colletotrichum gloesporioides), bệnh xì mủ trái (Pseudomonas mangiferae), sâu đục hột, rệp sáp, ruồi đục quả gây tổn thất từ 30-70 % năng suất, chất lượng xoài; trong đó, có tổn thất do bệnh hại tấn công sau thu hoạch. Mặt khác, việc thâm canh cao độ trong quá trình sản xuất xoài đã làm số lần sử dụng thuốc BVTV tăng lên nhiều lần, dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, trong những đối tượng gây hại này, ruồi đục quả và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là đối tượng kiểm dịch gay gắt ở một số quốc gia có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cao như: Mỹ, Úc, Nhật, Newzealand. Trên thế giới, song song với biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, những nghiên cứu và ứng dụng về kỹ thuật bao trái nhằm hạn chế sâu bệnh trên những vườn xoài trồng bằng gốc tháp đã được biết ở Philippines từ thập niên 70 bởi Bondad (1977). Ở Việt Nam, những nghiên cứu và ứng dụng về kỹ thuật bao trái bằng các loại bao giấy thô sơ, thông thường được nghiên cứu bởi Trường Đại Học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam từ năm 1997. Tuy nhiên, vấn đề tìm loại bao trái có chất liệu thích hợp với điều kiện thời tiết, tập quán canh tác, giá cả hợp lý đối với người sản xuất là vấn đề bức xúc đối với sản xuất và tiêu thụ xoài trong thời gian qua.
Trên địa bàn huyện Cao Lãnh, kỹ thuật bao trái được áp dụng trên diện tích nhỏ từ năm 1997. Tuy nhiên, phải đến năm 2000, từ các chương trình khuyến nông của huyên, tỉnh và sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật (Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam) thì vật liệu bao trái chuyên dùng nhập nội từ Đài Loan trên xoài mới được bắt đầu sử dụng đầu tiên ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nói riêng và trên cả nước nói chung.
Từ đó đến nay, kỹ thuật bao trái với vật liệu chuyên dùng nhập từ Đài Loan được sử dụng rộng rãi và tăng dần với nhu cầu từ 3 đến 4 triệu bao trái cho mỗi năm. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, trong năm 2009, ngành Nông Nghiệp huyện đã hỗ trợ kinh phí cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Huỳnh nhập thiết bị và nguyên vật liệu bao trái từ Đài Loan đồng thời đưa vào hoạt động để sản xuất bao trái tại chỗ cung ứng cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh.
- Tính mới, tính sáng tạo:
- Kỹ thuật bao trái với chất liệu đặc biệt nhập nội từ Đài Loan như: không thấm nước, có khả năng cho ánh sáng xuyên qua và duy trì màu sắc trái như trong điều kiện sản xuất bình thường.
- Có thể tái sử dụng qua 2 mùa vụ, dễ phân hủy trong môi trường ở điều kiện bình thường; dễ áp dụng và kết hợp với tỉa trái và xử lý thuốc BVTV trước khi bao trái góp phần tăng năng suất trái từ 40-55%, đặt nền tảng cho sản xuất xoài theo hướng GAP.
- Khả năng áp dụng:
Từ hiệu quả của kỹ thuật bao trái với vật liệu nhập nội từ Đài Loan, ngành Nông nghiệp và Ban điều hành dự án trái phát triển cây ăn trái của huyện đã đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình, tuy bước đầu gặp không ít khó khăn, do nhiều hộ nông dân chưa áp dụng đúng kỹ thuật; đa số, vườn xoài trên địa bàn huyện trồng từ hột, có chiều cây cao khó áp dụng kỹ thuật bao trái. Tuy nhiên, với sự quyết tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngành Nông Nghiệp huyện đã áp dụng đồng bộ các giải pháp từ tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa mùa nghịch, phòng trị sâu bệnh hợp lý, áp dụng biện pháp bao trái đã cho thấy kỹ thuật này tỏ ra rất hiệu quả: như giảm được ít nhất từ 8-10 lần phun thuốc trừ sâu, bệnh/vụ, tỷ lệ trái loại 1 tăng lên do kết hợp bao trái, tỉa trái và phun thuốc trừ sâu, bệnh trước khi bao; năng suất trái từ 40-55%, đạt các tiêu chuẩn đánh giá về cảm quan cũng như chất lượng trái sau thu hoạch.
Song song đó, bệnh hại trên trái sau thu hoạch giảm từ 20-30% so với trái sản xuất trong điều kiện bình thường; tương đương với xử lý nước nóng và thuốc trừ nấm sau thu hoạch, góp phần kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch. Từ đó, nông dân đã áp dụng ngày càng rộng rãi kỹ thuật bao trái trong thời gian qua. Ngoài ra, những vườn xoài trồng từ hột, chất lượng kém được cải tạo bằng phương pháp tháp mắt với chiều cao cây thích hợp kết hợp với thang bao trái, dụng cụ bao trái chuyên dùng đã làm kỹ thuật bao trái ngày càng hoàn thiện và dễ áp dụng đối với nhà vườn.
Hiện nay, các nhà vườn trong huyện đã sử dụng biện pháp bao trái xoài trên 70% diện tích sản xuất xoài góp phần tăng sản lượng và chất lượng trái sau thu hoạch. Đặc biệt, đối với xoài Cát Hòa Lộc trong mùa mưa hầu hết đều được bao trái.
Từ những hiệu quả trên cho thấy, số lượng bao trái sử dụng tăng dần qua từng năm, cụ thể, năm 2.000 lượng bao trái tiêu thụ từ 5000-10.000 bao/năm đến năm 2006 số lượng 500.000 cái/năm và hiện nay theo thống kê sơ bộ, lượng bao trái tiêu thụ trên địa bàn huyện khoảng 3 – 4 triệu bao trái/năm; trong đó, từ đầu năm đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Huỳnh cung cấp 1.500.000 bao trái cho người trồng xoài trong và ngoài huyện.
- Lợi ích kinh tế – xã hội:
Lợi ích về kinh tế:
- Sử dụng bao trái chuyên dùng bằng vật liệu được sản xuất từ Đài Loan đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bao trái ngoài tránh được sự va chạm cơ học do gió gây ra, làm giảm sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương; do đó, hạn chế tối đa bệnh thán thư và xì mủ trên trái gây ra làm tăng năng suất từ 40 – 55% và tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch, màu sắc trái đẹp, bệnh trái sau thu hoạch giảm giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 3-5 ngày so với bình thường.
- Bao trái khi trái đã qua giai đọan rụng trái sinh lý (40 – 50 ngày tuổi) là hiệu quả nhất, trước khi bao trái phun thuốc trừ sâu, bệnh kết hợp với tỉa trái đã làm giảm được từ 8 -10 lần phun thuốc trong suốt vụ. Mỗi ha xoài lợi nhuận tăng 50.000.000 đồng so với phương pháp canh tác truyền thống. Với diện tích toàn huyện có 3.608 ha , nếu ứng dụng kỹ thuật bao trái thì lợi nhuận tăng thêm ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
Lợi ích xã hội:
- Lượng thuốc trừ sâu bệnh giảm đi từ 5-10 kg/ha góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật an toàn đối với sức khỏe của cộng đồng.
- Tạo tiền đề cho sản xuất xoài theo hướng Global GAP và xuất khẩu cho các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe trong tương lai.
Theo Báo Nông Nghiệp
Giờ có trái xoài chua thì thích lắm nhỉ
Trả lờiXóaHoàng Nguyên Green
đó giờ mình chỉ biết bao ổi thôi k biết xoài cũng cần nữa đó
Trả lờiXóaHoàng Nguyên Green