Cây xoài gồm hai nhóm. Nhóm đơn phôi: Một hạt chỉ mọc có 1 cây duy nhất là cây hữu tính. Nhóm đa phôi: Khi nảy mầm sản sinh ra nhiều cây con gồm có 1 cây hữu tính (phát triển từ phôi hợp tử nên rất khác cây mẹ, dễ biến dị) và các cây vô tính mang các tính trạng giống cây mẹ. Vì vậy khi nhân giống bằng hạt đa phôi phải loại bỏ cây hữu tính.
Khi trồng cây xoài bằng hạt đa phôi gồm ít nhất là 2 cây cùng 1 gốc, trong đó có 1 cây hữu tính và cây kia là cây vô tính. Do đặc tính của cây vô tính là sớm cho quả nên sau 3 năm trồng cây vô tính đã phát triển mạnh và liên tục cho quả và quả rất sai, quả to, chất lượng thơm ngon ngay trong những năm đầu, còn cây hữu tính thì vẫn chưa cho hoa quả. Nếu ta chặt nhầm cành chính (cây vô tính) chỉ để lại cành phụ của cây hữu tính thì mặc dù các năm tiếp theo có thể ra hoa nhưng không đậu quả được.
Về các biện pháp khắc phục: Như đã nói ở trên, các cành còn lại mọc từ cây hữu tính, dễ bị biến dị, không mang những đặc tính tốt như cây mẹ do đó dù các cành này có sinh trưởng tốt cũng không nên giữ làm gì. Tuy nhiên do trồng bằng hạt nên cây xoài có nhiều ưu điểm như: Bộ rễ cọc khoẻ, ăn sâu nên khả năng chống chịu gió bão rất tốt, chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh tốt. Ta nên tận dụng làm gốc ghép để ghép cải tạo cho một giống xoài mới sau này. Cách làm như sau:
- Cưa đốn:Dùng cưa cắt ngang thân cây xoài cách gốc 0,8 – 1m rồi dùng thuốc Boocđô đậm đặc (3 – 5%) hoặc sơn quét lên mặt vết cắt nhằm tránh nhiễm khuẩn cho vết thương, hạn chế mất nước cho cây. Nếu trời mưa thì dùng nilon buộc kín vết cắt lại. Nếu ở chiều cao trong khoảng 0,8 – 1,5m mà thân cây có nhiều cành cấp 1 thì cưa cắt ở những cành cấp 1 cách chỗ phân cành khoảng 40 – 50cm. Khi các chồi mới mọc lên thì tỉa bỏ bớt những chồi mọc yếu, những chồi mọc sít nhau, chỉ giữ lại mỗi thân hoặc cành cấp 1 từ 2 – 3 chồi mọc cách đều nhau về các phía làm bộ khung tán cho cây sau này. Khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau, khi các chồi đã cao khoảng 40 – 50cm, đường kính từ 0,8 – 1cm thì tiến hành ghép cải tạo lại.
- Cách ghép: Dùng kéo cắt cành cách ngọn chồi gốc ghép chừa lại khoảng 7 – 10cm. Tay trái giữ chặt chồi gốc ghép, tay phải dùng dao sắc cắt vát một đoạn dài 1,5 – 2cm. Lấy một đoạn cành của giống xoài muốn ghép có đường kính tương đương với chồi gốc ghép, có 1 – 2 mầm ngủ, dùng dao cắt vát ở gốc cành một vết tương tự như ở chồi gốc ghép, sao cho khi đặt lên gốc ghép tượng tầng của cành và gốc chồng khít lên nhau. Dùng dây nilon trắng trong với dải rộng 1,5cm, dài 15cm quấn chặt từ vết ghép lên trên theo nhiều lớp chồng xen kẽ lên nhau qua hết phần ghép. Dùng túi nilon trắng, trong có đường kính 4 – 5cm, dài 20cm chụp lên toàn bộ cành và phần đã ghép rồi buộc chặt lại để tránh mất nước, cành ghép mau chóng liền sẹo. Nếu sau thời gian ghép mà cây bị hạn thì cứ 3 ngày nên tưới một lần. Ghép theo hình thức này cây chóng bật mầm. Sau 25 – 30 ngày có thể mở dây buộc kiểm tra tỉ lệ sống.
- Chăm sóc: Khi các chồi ghép đã nẩy chồi mới thì dỡ bỏ các túi nilon. Vặt bỏ hết các chồi của cây gốc ghép nẩy xung quanh các chồi ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi chồi ghép mau lớn. Khi các chồi ghép đã cao khoảng 20cm thì gỡ bỏ dây ghép cho cây sinh trưởng bình thường. Chú ý thường xuyên kiểm tra và phun phòng trừ các loại rệp, sâu gây hại cho chồi non. Bằng cách ghép thay giống, chỉ 2 năm sau bạn đã có 1 cây xoài mới chất lượng và sai quả như mong muốn.
Hay quá nhỉ, có ai biết đến Hoàng Nguyên Green không?
Trả lờiXóalàm sau để có cây trong nhà đẹp như Hoàng Nguyên Green
Trả lờiXóa