Trong buổi tọa đàm trực tuyến Mắc ca, từ “vì sao” đến “như thế nào” do Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư tổ chức sáng nay (14/4), TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã cho biết những điều kiện về đất, khí hậu tốt nhất mà cây “tỷ đô” có thể sinh trưởng, phát triển và cho năng suất, chất lượng tốt nhất.
Không phải chỗ nào của Tây Nguyên cũng trồng được mắc ca
Theo TS. Trần Vinh, việc trồng cây mắc ca không phải là ngẫu nhiên. Mắc ca đến từ những thực tế trên thế giới, bà con nông dân ở Tây Nguyên quan tâm đến cây mắc ca là đương nhiên. Tây Nguyên có đầy đủ các loại cây công nghiệp nhưng đến bây giờ người dân vẫn còn phân vân vì thị trường, nhiều loại cây không có giá trị. Hiện nay, tuy người dân Tây Nguyên không muốn chặt bỏ cây cà phê để trồng cây khác, nhưng cũng muốn tìm hiểu để tăng thu nhập.
Về phía Viện đã nghiên cứu mắc ca khá lâu, được 13 năm, từ 2002, ban đầu Viện nhập 6 giống mắc ca nguồn gốc từ Úc. Nghiên cứu đến bây giờ chúng tôi thấy mắc ca có thể phát triển ở Tây Nguyên nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được. Các giống biến đổi trong cùng một môi trường. Nhiều giống tốt ở thế giới nhưng khác biệt về điều kiện sinh thái ở nước ta thì phải chấp nhận.
TS. Trần Vinh cho hay, hiện nghiên cứu 15 giống thì có 4-5 giống phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên. Nhiều phương thức canh tác mắc ca cũng được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, phương pháp trồng xen rất hiệu quả, không ảnh hưởng đến cây khác.
Về cách trồng cụ thể, ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho hay, cây mắc ca nên trồng vào tháng 5, tháng 6, trước khi trồng cho một ít vôi khử trùng đất và bón phân sinh. Ông Bùi Hữu Hòa cũng lưu lý, không cần bón phân nhiều, không bón phân hóa học, nếu bón phân hóa học, cây mắc ca sẽ chết.
Không cần chặt bỏ các loại cây khác vì mắc ca có thể trồng xen. Ảnh minh họa.
Trồng xen mắc cà và cà phê rất tốt
Việc trồng xen mắc ca và cà phê thử nghiệm cho thấy hiệu quả tốt cho cả hai loại cây này. Cụ thể, cây cà phê ưa bóng, khi trồng xen mắc ca thì tạo bóng cho cây cà phê, cây mắc ca lại được hưởng từ nước tưới từ cây phê khiên mắc ca có tỷ lệ hoa và đậu quả nhiều hơn. “Người dân Tây Nguyên quan tâm nhiều hơn, người ta quen với kỹ thuật trồng cây cà phê và không chặt bỏ cây cà phê, chỉ đem thêm cây vào để tăng thêm năng suất. Và trên thực tế không phải giống nào cũng có thể trồng xen được”, TS. Trần Vinh nói.
Ngoài ra, TS. Trần Vinh cũng khuyến cáo bà con nông dân, khi trồng bằng hạt, quần thể mắc ca phân ly, biến động rất lớn, vì vậy Viện khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng từ hạt mà chỉ để nghiên cứu. “Chúng tôi đánh giá lại rằng mắc ca hoàn toàn trồng được trên đất Tây Nguyên, trồng xen để mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân”, TS. Vinh cho hay.
Mắc ca được đánh giá là loại cây dễ trồng bởi trồng có tỷ lệ sống cao, chịu được điều kiện ở Tây Nguyên, ra hoa kết quả được trong mùa khô mặc dù không tưới nước bón phân.
Nhưng cây mắc ca cũng khó tính bởi cây ưa khí hậu mát lạnh. Theo TS. Trần Vinh, ở Tây Nguyên không phải chỗ nào cũng mát lạnh, nhiều vùng chỉ trồng được cây điều, nếu trồng mắc ca thì quả sẽ rụng nhiều, nhiệt độ càng cao rụng quả càng nhiều. Những vùng này thì không nên trồng. Những vùng đất bí chật sét nặng, đất ngập úng thì không nên trồng. Những vùng đất khác có thể trồng được với năng suất khác nhau.
“Tuy nhiên chúng ta có thể cải tạo được điều kiện môi trường khi đưa vào trồng xen, tưới nước cho các cây khác khiến nhiệt độ thấp hơn thì cây mắc ca có thể tăng trưởng tốt hơn”, TS. Trần Vinh nói.
Đồng quan điểm với TS. Trần Vinh về việc có thể trồng xen mắc ca và cà phê, ông Bùi Hữu Hòa khuyến cáo cho bà con, sau này thời gian tới, khi cây mắc ca được trồng đại trà, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn hiện tại, bà con có thể trồng xen mắc ca với cà phê rất tốt. Theo ông Bùi Hữu Hòa, việc thu hoạch, bảo quản quả mắc ca cũng thuận tiện hơn so với cà phê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét